|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Tọa đàm cấp cao. Ảnh: quochoi.vn |
Tham dự Diễn đàn có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và nước ngoài; các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp và lãnh đạo các Tập đoàn, doanh nghiệp đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; đại diện của các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội là những cơ quan xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Tham gia thảo luận tại Tọa đàm cấp cao, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ về vấn đề liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các rào cản liên quan đến điều kiện kinh doanh và cho rằng, trong bối cảnh môi trường đầu tư kinh doanh gặp khó khăn, thách thức cần huy động năng lực nội sinh của nền kinh tế, trong đó vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng. Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đóng vai trò quan trọng để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Thứ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm thủ tục không cần thiết để giảm chi phí, gánh nặng cho doanh nghiệp.
Về các chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; những tác động mạnh mẽ nhất của các chính sách tới doanh nghiệp, các địa phương, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 43 được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 nhằm cụ thể các nội dung tại Nghị quyết 43. Đến nay, Nghị quyết 43 đã phát huy hiệu quả tích cực, đóng góp rất nhiều cho kết quả tăng trưởng.
Qua đánh giá cho thấy, các chính sách của Nghị quyết 43 tập trung vào nhóm chính sách tài khóa, tiền tệ và các nhóm chính sách khác nhằm hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đảm bảo an sinh xã hội; đầu tư kết cấu hạ tầng. Trong các chính sách này có những chính sách thực hiện nhanh, hiệu quả, tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và các địa phương như điều chỉnh khoản nợ, giãn thời gian trả nợ; giảm thời gian nộp các loại thuế và phí, giãn, hoãn các khoản thuế và phí… nhờ vậy tạo dòng tiền cho doanh nghiệp. Đây cũng là những chính sách có tiến độ thực hiện nhanh và tốc độ lan tỏa trong đời sống.
Bên cạnh đó, các chính sách khác mang tính dài hạn và bền vững như bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, tránh đứt gãy chuỗi lao động; Chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng. Các công trình hạ tầng được đầu tư thông qua Chương trình có quy mô lớn, đặc biệt là dự án hạ tầng giao thông nhằm tạo ra sự đồng bộ trong hệ thống cấu hạ tầng của nền kinh tế, tạo không gian phát triển mới để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
|
Hình ảnh tại Tọa đàm. Ảnh: quochoi.vn |
Liên quan đến vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra tuyên bố khung giải pháp về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu và hiện các quốc gia đều đã chấp thuận áp dụng, trong đó có Việt Nam. Do vậy, việc triển khai khung giải pháp của OECD là yêu cầu bắt buộc.
Trên cơ sở đánh giá tác động cho thấy, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh; mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài; tác động đến các doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh; tác động đến các chính sách, thể chế.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin, hiện nay, Chính phủ đang phân công Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính chuẩn bị, xây dựng và sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết về cách thức tính và thu thuế tối thiểu toàn cầu; Nghị quyết về bổ sung quy định đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn của Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc, quy định của OECD; phù hợp với chủ trương, định hướng, pháp luật của Việt Nam; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút thêm các nhà đầu tư đến đầu tư tại Việt Nam.
Truyền tải thông điệp của mình, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, “phải luôn nỗ lực và cố gắng dù trong hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn; phải cố gắng, nỗ lực tiếp cận với những cái mới để tìm ra nguồn lực, động lực mới phục vụ cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững”.
Tại Tọa đàm, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ về việc triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh và cho biết, Nghị quyết ra đời đã tạo tâm lý phấn khởi cho người dân toàn Thành phố. Thành phố cũng đang rất quyết liệt triển khai để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống; nỗ lực khai thác tối đa cơ chế đặc thù Nghị quyết đã trao cho Thành phố, tập trung phát triển nguồn lực nội sinh; khai thác tiềm năng phát sinh từ hạ tầng như hạ tầng giao thông, thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hiệu quả hơn.
Ông Dương Anh Đức cho biết, Nghị quyết 98 đã đem đến nhiều cơ hội triển khai các dự án đối tác công tư với những chính sách đặc thù, giúp đẩy nhanh những dự án trọng điểm, sớm đưa vào sử dụng, tạo lợi ích cho xã hội cũng như tạo đà cho sự phát triển của Thành phố. HĐND Thành phố đã ban hành nhiều chính sách về vấn đề này để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học vào sự phát triển của Thành phố.
Tọa đàm đã nhận được những ý kiến thảo luận, đề xuất cụ thể. Đây sẽ là những gợi ý chính sách, những nguồn thông tin đầu vào quan trọng để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đưa ra quyết sách kịp thời, thực hiện thắng lợi mục tiêu năm 2023 và những năm tiếp theo.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn. Ảnh: quochoi.vn |
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tóm lược một số gợi ý, đề xuất chính sách được nêu về năng lực, động lực nội sinh của nền kinh tế, cần phát triển các khu vực sản xuất của nền kinh tế, gồm khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và nâng cao năng suất lao động. Thực hiện đồng bộ, cộng hưởng các yếu tố này sẽ phát huy tổng hợp sức mạnh nội sinh của nền kinh tế.
Cần nghiên cứu, ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối. Phối hợp chính sách hiệu quả đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cơ cấu lại các loại thị trường; thúc đẩy phát triển và quản lý chặt chẽ các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Phát triển và khai thác hiệu quả thị trường trong nước, đẩy mạnh sức mua trong nước; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, kích cầu du lịch trong nước.
Thúc đẩy chuyển đổi số cần xây dựng trên 03 trụ cột, gồm: chính phủ số, kinh tế số, công dân số, nhằm giảm thiểu, tăng cường hiệu quả, hiệu lực các dịch vụ công, tối ưu hóa hiệu quả và hiệu suất hoạt động của nền kinh tế, cho phép các công dân kết nối thành một xã hội mạng lưới, từ đó hình thành nên những nền tảng thị trường mới./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư